Giao tòa phê chuẩn lệnh bắt, khám xét, tạm giam?

-A +A

Trong hai ngày 14 và 15-1, tại hội nghị tổng kết ngành tòa án, nhiều vấn đề nóng về đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án, triển khai thực thi quyền tư pháp… đã được đưa ra thảo luận.

Triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi 2013, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đã nhấn mạnh một số nội dung quan trọng, định hướng mang tính đột phá đối với hoạt động tòa án vừa mới được sửa đổi, bổ sung.

Hiến định nguyên tắc tranh tụng

Trong đó, lần đầu tiên hiến định “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”, nguyên tắc suy đoán vô tội (người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật).

Để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, Hiến pháp 2013 cũng bổ sung nội dung “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm” nhằm nhấn mạnh và đảm bảo cho nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” phải được thực thi trong thực tiễn xét xử.


 

Theo ông Lê Văn Minh (Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao), tòa không chỉ đơn thuần là cơ quan xét xử mà cần phải được giao quyền phán quyết đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật, kể cả các vi phạm hành chính. Ảnh: HTD

 

Đây là vấn đề quan trọng sẽ được nghiên cứu, cụ thể hóa trong Luật Tổ chức TAND và pháp luật tố tụng tư pháp, chấm dứt những hoài nghi về án bỏ túi, can thiệp xét xử từ chỉ đạo của cấp này, cấp khác. Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán thuộc về Chủ tịch nước. Chế định mới này cũng nhằm xác định đúng địa vị pháp lý của thẩm phán với tư cách là người nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam thực hiện quyền tư pháp khi đưa ra phán quyết bảo vệ công lý.

Hệ thống TAND cũng được Hiến pháp 2013 quy định mở, giao về cho Luật Tổ chức TAND quy định cụ thể, trở thành cơ sở pháp lý để xây dựng mô hình tòa án bốn cấp không còn phụ thuộc vào địa giới hành chính (TAND Tối cao, TAND cấp cao, TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương, TAND sơ thẩm khu vực).

Ngoài ra, các trường hợp tòa xét xử kín cũng được quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo nguyên tắc xét xử công khai, minh bạch: “TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự”.

Thêm quyền cho tòa?

Theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Hiến pháp sửa đổi 2013 minh định “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” không chỉ thể hiện tư duy chính trị đổi mới của Đảng và Nhà nước ta về nhà nước pháp quyền mà còn là cơ sở hiến định quan trọng để nhận thức lại về quyền tư pháp, hoạt động tư pháp và thiết kế lại cơ quan tư pháp trong bộ máy nhà nước. Hiến định “tòa án thực hiện quyền tư pháp” sẽ mở ra lộ trình chuyển giao cho tòa thẩm quyền phê chuẩn các quyết định hạn chế quyền con người, quyền công dân phù hợp với định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền và xu hướng thực thi tư pháp của nhiều nước khác.

Theo ông Lê Văn Minh (Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao), với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, tòa không chỉ đơn thuần là cơ quan xét xử mà cần phải được giao quyền phán quyết đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật, kể cả các vi phạm hành chính. Đồng thời, tòa phải có vai trò giám sát hoặc quyết định việc áp dụng các biện pháp có tính chất hạn chế quyền con người, quyền công dân trong quá trình xử lý các vụ việc của cơ quan điều tra, VKS, cơ quan thi hành án…

Cụ thể, các lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét thân thể, thư tín, kê biên tài sản và các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cưỡng chế khác phải được tòa xem xét, phê chuẩn hoặc quyết định. Có như vậy mới có thể khắc phục, hạn chế được tình trạng oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và trong xử lý các vi phạm hành chính.

 

Ngoài ra, để đảm bảo nguyên tắc hiến định “TAND Tối cao có nhiệm vụ phải đảm bảo áp dụng thống nhất trong xét xử”, bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần ban hành án lệ nhằm đảm bảo công lý theo nguyên tắc “các vụ việc có nội dung tương tự phải được xét xử và phán quyết như nhau”. Đây cũng là giải pháp quan trọng để hạn chế việc xét xử oan, sai, hạn chế việc lách luật hoặc lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi của những người tiến hành tố tụng, góp phần minh bạch hoạt động tư pháp.


 

 

 

Tags: