Hỏi đáp
-
Trần Lan Hương Gia đình tôi vốn có mâu thuẫn với gia đình hàng xóm, thỉnh thoảng họ lại trả thù vặt bằng cách phun thuốc diệt cỏ vào vườn rau ăn của gia đình tôi, ném gạch vào sân (tuy nhiên chưa có bằng chứng bắt tận tay) và dọa nạt. Một lần họ xông vào vườn đánh mẹ tôi, vác dao chém nhưng có nhiều người can ngăn nên không thành, nhiều lần đe dọa đánh bố mẹ tôi, có người chứng kiến, nhưng vì đây là đối tượng côn đồ nên mọi người ngại làm chứng, sợ bị trả thù. Gia đình tôi luôn cảnh giác cao nên chưa ai bị ngộ độc hoặc bị thương tích. Tôi muốn hỏi gia đình tôi có đủ căn cứ để kiện gia đình nhà hàng xóm đó không và kiện họ với tội danh gì?
Chọn chuyên mục: Hình sựLuật sư Trần ThànhNgười hành xóm của gia đình bạn có mâu thuẫn với gia đình bạn mà phun thuốc diệt cỏ vào vườn rau của gia đình bạn và hành vi xông vào vườn đánh mẹ của bạn, trong đó có hành vi vác dao định chém mẹ bạn mặc dù không thành nhưng đó là những hành vi vi phạm pháp luật.
- Đối với hành vi phun thuốc diệt cỏ vào vườn rau của gia đình bạn có thể khẳng định mục đích của người hàng xóm này là nhằm đầu độc gia đình bạn. Căn cứ vào Điều 18 Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt, cũng như căn cứ vào Điều 93 về tội giết người, hoặc Điều 104 tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì hành vi của người hành xóm trên tùy vào các tình tiết cụ thể (trên cơ sở điều tra xác định của các cơ quan tiến hành tố tụng) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội gây tổn hại sức khỏe cho người khác ở giai đoạn chưa đạt.
- Đối với hành vi xông vào đánh mẹ bạn và cầm dao chém nhưng không thực hiện được do được ngăn cản có thể cấu thành hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thậm chí là hành vi giết người chưa đạt (phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật). Tuy nhiên, bạn phải cung cấp đầy đủ các chứng cứ liên quan cho cơ quan điều tra nhằm chứng minh hành vi đó.
Như vậy, với những hành vi nêu trên, bạn hoàn toàn có thể làm bản tường trình sự việc và yêu cầu với công an huyện để làm rõ sự việc trên. Tuy nhiên, một điều đặc biệt quan trọng đó là bên cạnh việc làm và nộp bản tường trình bạn cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ, thậm chí vận động những người làm chứng cho sự việc trên./.
-
Đào Văn Cẩn Em muốn nhập hộ khẩu ở 1 xã của tỉnh Long An. Em có làm bản khai nhân khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, được cơ quan công an ở Long An xác nhận em đủ điều kiện nhập khẩu, họ bảo gửi hồ sơ này về xin giấy chuyển hộ khẩu ở địa phương, em gửi giấy này về cho ba em nộp cùng sổ hộ khẩu gia đình có tên em trong đó lên công an thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận để làm thủ tục xin giấy chuyển hộ khẩu cho em. Tuy nhiên, cơ quan công an ở đây không nhận hồ sơ và trả lời miệng rằng em phải trực tiếp nộp hồ sơ mới được. Xin hỏi như vậy có đúng không? Em phải làm như thế nào? Em xin cảm ơn.
Chọn chuyên mục: Hành chínhLuật sư Trần ThơmĐăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu.
Theo quy định tại Luật Cư trú năm 2006, công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Về thủ tục đăng ký thường trú, người đăng ký thường trú phải nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an cấp xã nơi đến thường trú. Khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú có quy định về hồ sơ đăng ký thường trú, theo đó hồ sơ đăng ký thường trú tại tỉnh gồm các giấy tờ sau:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
- Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật Cư trú.
Như vậy, trong hồ sơ đăng ký thường trú bắt buộc phải có giấy chuyển hộ khẩu. Để có giấy này, bạn phải làm thủ tục xin chuyển hộ khẩu tại cơ quan công an cấp xã nơi trước đây bạn có đăng ký thường trú theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Cư trú. Cụ thể là:
“3. Thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu được quy định như sau:
a) Trưởng Công an xã, thị trấn cấp giấy chuyển hộ khẩu cho trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Trưởng Công an huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
4. Hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm sổ hộ khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
5. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân.
Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo tiếp nhận của cơ quan quản lý cư trú nơi công dân chuyển hộ khẩu đến, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có người chuyển đi phải chuyển hồ sơ đăng ký, quản lý hộ khẩu cho Công an cùng cấp nơi người đó chuyển đến.
6. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không phải cấp giấy chuyển hộ khẩu:
a) Chuyển đi trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
b) Học sinh, sinh viên, học viên học tại nhà trường và cơ sở giáo dục khác;
c) Đi làm nghĩa vụ quân sự, phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;
d) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại hoặc nhà ở tập thể;
đ) Chấp hành hình phạt tù; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc, quản chế.”
Theo đó, pháp luật không bắt buộc người chuyển hộ khẩu phải trực tiếp nộp hồ sơ chuyển hộ khẩu. Do vậy, việc cơ quan công an thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh (Bình Thuận) yêu cầu bạn phải trực tiếp nộp hồ sơ chuyển hộ khẩu là không đúng pháp luật.
-
Đỗ Tuấn Dũng Tôi lấy vợ lập gia đình năm 2006 và sinh sống tại ngôi nhà do cha mẹ tôi xây dựng, trên mảnh đất do tổ tiên nhiều đời để lại. Hiện nay mẹ tôi hết tuổi lao động vẫn còn sống không phụ thuộc ai, nhưng ở chung nhà với vợ chồng tôi. Sổ đỏ đứng tên mẹ tôi từ năm 2007, nhưng năm 2012 mẹ tôi chuyển sở hữu mảnh đất cho tôi và sổ đỏ hiện tại đứng tên tôi. Vậy mảnh đất đang được đứng tên tôi có thuộc sở hữu chung của vợ chồng hay chỉ thuộc sở hữu của cá nhân tôi?
Chọn chuyên mục: Hôn nhân - Gia đìnhLuật sư Mai Đức ĐôngLiên quan đến việc xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định cụ thể như sau:
Điều 27. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Điều 32. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng.
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân.
2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.
Theo như bạn trình bày, bạn kết hôn năm 2006. Hai vợ chồng đã ở trên mảnh đất thuộc sở hữu của mẹ bạn cho đến năm 2012 thì mẹ bạn đã sang tên mảnh đất đó cho bạn. Trường hợp này, bạn đã được mẹ bạn tặng cho riêng mảnh đất trong thời kỳ hôn nhân nên về nguyên tắc, mảnh đất này là tài sản riêng của bạn.
Tuy nhiên, cần lưu ý, mặc dù đây là tài sản riêng của bạn, bạn có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, nhưng theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, “trong trường hợp tài sản riêng của vợ chồng đã đưa ra sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng”.
Do đó, nếu ngôi nhà là nguồn sống duy nhất của gia đình và được đưa ra sử dụng chung cho gia đình thì việc định đoạt ngôi nhà phải có sự đồng ý của vợ bạn.
-
Nguyễn Thanh Nhàn Tôi làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nhưng thời gian gần đây Công ty lấy lý do là gặp khó khăn và đã điều động tôi sang làm một công việc khác trái với ngành nghề, nhưng tôi vẫn chấp nhận và không có ý kiến gì. Khi tôi tới nhận công việc mới thì người phụ trách đã không sắp xếp và bố trí được công việc cho tôi, và họ đã trả tôi về lại Công ty, nhưng Công ty lại không bố trí công việc cho tôi và đã ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với tôi, mặc dù vẫn còn chỗ để tôi làm việc. Tôi là một đảng viên, là một tổ trưởng, tôi không hề bị kỷ luật hay vi phạm những nội quy của Công ty dù chỉ là nhỏ nhất, vậy cho tôi xin hỏi với trường hợp của tôi như thế thì Công ty đã làm đúng hay sai?
Chọn chuyên mục: Lao động - Tiền lươngLuật sư Trần ThànhCâu hỏi của bạn liên quan đến các quy định của pháp luật về trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Bộ luật Lao động năm 2012 quy định các trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và thời hạn báo trước mà người sử dụng lao động phải tuân thủ tại Điều 38 như sau:
“Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng”.
Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động vẫn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì các lý do bất khả kháng hoặc vì lý do kinh tế mà người sử dụng lao động buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do kinh tế hoặc do thay đổi cơ cấu, công nghệ thì người lao động phải thực hiện các biện pháp khắc phục quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp vì lý do kinh tế hoặc thay đổi cơ cấu, công nghệ mà người lao động có nguy cơ mất việc làm như sau:
“1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh”
Theo như bạn trình bày, công ty bạn đang trong giai đoạn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và bạn chưa từng bị công ty ra các quyết định kỷ luật lao động. Trong phần bạn trình bày, bạn không cung cấp thông tin cụ thể lý do công ty bạn quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bạn nên chúng tôi không thể khẳng định công ty của bạn có vi phạm pháp luật lao động hay không. Tuy nhiên, chúng tôi giả sử rằng nếu công ty bạn lấy lý do công ty đang trong giai đoạn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn thì căn cứ vào quy định điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 thì công ty bạn phải đưa ra các bằng chứng chứng minh rằng: công ty đã tìm mọi cách khắc phục nhưng vẫn phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Nếu công ty của bạn không đưa ra được lý do cụ thể để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn thì công ty bạn đã vi phạm quy định của pháp luật lao động về vấn đề này.
-
Trịnh Thị Hoàng Thi
Hiện Tôi đang có ý tưởng mô hình tập hợp các shop thời trang về quần áo , giày dép , mỹ phẩm sẽ được bán sale trong 2 ngày /1 tháng / 1 lần .Về địa điểm tổ chức ...thì tôi đã tính rồi nhưng còn về thủ tục thì tôi không biết như thế nào ? Với 1 cá nhân như tôi khi muốn tổ chức như vậy thì có cần giấy phép kinh doanh hay giấy xin phép của Cơ quan tại địa phương hay không ? Xin LS hướng dẫn cụ thể giúp Tôi !!! Tôi xin chân thành cảm ơn LS nhiều ạ !
Chọn chuyên mục: Các vấn đề về Thuế
Đặt câu hỏi