Bị hàng xóm lấn đất phải xử lý như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP đã giải thích về hành vi lấn đất, chiếm đất như sau:
Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép.
- Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép.
- Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp).
Căn cứ theo Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai hiện hành, khi bị hàng xóm lấn chiếm đất, người bị lấn chiếm giải quyết như sau:
- Thương lượng, hòa giải với người có hành vi lấn chiếm đề đòi lại phần diện tích bị lấn chiếm; hoặc Gửi đơn lên Ủy ban nhân dân cấp xã để tiến hành hòa giải nếu không thể tự hòa giải.
- Người có đất bị lấn chiếm khởi kiện đến Tòa án theo quy định trong trường hợp các bên hòa giải không thành.
Căn cứ khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Theo đó, trước tiên người bị lấn chiếm đất có thể thương lượng, tự hòa giải để giải quyết vụ việc.
Trường hợp hai bên không thể tự thương lượng, thỏa thuận có thể làm đơn yêu cầu hòa giải gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để tiến hành hòa giải (căn cứ theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013). Trong đó:
Trách nhiệm tổ chức hòa giải: Thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị tranh chấp, trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.
Thời hạn giải quyết: Tối đa 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Sau khi tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã:
Nếu hòa giải thành: Thực hiện theo kết quả hòa giải. Trường hợp lấy lại được đất bị lấn chiếm và có thay đổi hiện trạng về ranh giới đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để sửa lại ranh giới.
Nếu hòa giải không thành: Người bị lấn chiếm đất có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp để giải quyết (theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013).
Khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp:
- Trường hợp đất đã có Sổ đỏ:Trong trường hợp các bên tranh chấp có Sổ đỏ hoặc một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất, nếu muốn giải quyết tranh chấp thì chỉ được khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất.
Hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
- Đơn khởi kiện theo mẫu
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất;
- Biên bản hòa giải có chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.
- Giấy tờ của người khởi kiện: Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân.
- Các giấy tờ chứng minh khác theo yêu cầu khởi kiện của bên khởi kiện (ví dụ như văn bản đo đạc, trích lục hồ sơ địa chính…)
- Trường hợp đất chưa có Sổ đỏ:
Trường hợp đất không có Sổ đỏ hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, có thể lựa chọn một trong hai cách giải quyết sau:
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết.
Theo đó, trường hợp giải quyết tại Ủy ban nhân dân, thẩm quyền giải quyết thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp huyện. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về cách xử lý khi bị hàng xóm lấn, chiếm đất. Để được tư vấn về vấn đề này xin vui lòng liên hệ tới Hãng Luật Vũ Trần.
Hãng Luật Vũ Trần:
Địa chỉ: Số 16 đường Trần Quốc Vượng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 083.214.9999
Email: Info.luatvutran@gmail.com
Website: http://luatvutran.com
Thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tại cấp huyện
Quy định về mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn
Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép cơ quan có thẩm quyền hiện nay?
Bị lừa đảo qua mạng có đòi lại được không?
Án treo khác với cải tạo không giam giữ như thế nào?
Các loại thuế, phí phải nộp khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Công nhận tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân
Điều kiện để được tách thửa