Giám định tư pháp Chữ ký

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
  • Luật giám định Tư pháp năm 2012
  • Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020

Những trường hợp thực hiện việc giám định chữ ký, chữ viết:

Căn cứ theo quy định tại Điều 102 BLTTDS năm 2015, những trường hợp thực hiện trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết bao gồm:

  • Thứ nhất,đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.
  • Thứ hai,theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định.
  • Thứ ba,trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên tòa, phiên họp để trực tiếp trình bày về các nội dung cần thiết.
  • Thứ tư,theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó.
  • Thứ năm,việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát

nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp.

Về hồ sơ yêu cầu giám định:

Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật giám định tư pháp năm 2012, hồ sơ yêu cầu giám định bao gồm những văn bản, tài liệu, giấy tờ sau:

  • Thứ nhất,người yêu cầu giám định phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
  • Thứ hai,văn bản yêu cầu giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây:

      a) Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;

      b) Nội dung yêu cầu giám định;

      c) Tên và đặc điểm của đối tượng giám định

      d) Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);

      đ) Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định;

      e) Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định.

Trình tự thủ tục giám định chữ ký, chữ viết gồm những bước sau:

  • Về thẩm quyền giám định chữ ký, chữ viết:

Theo khoản 4 Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012 quy định thì cá nhân/tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

  • Về thủ tục nộp hồ sơ yêu cầu giám định:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Giám định tư pháp 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 12 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020:

“Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu trưng cầu giám định, phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.”

  • Về chi phí cho giám định chữ ký, chữ viết trong vụ án dân sự:

Người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về trình tự, thủ tục thực hiện giám định chữ ký, chữ viết trong vụ án dân sự. Để được tư vấn về dịch vụ pháp lý liên quan tới giám định tư pháp xin vui lòng liên hệ tới Hãng Luật Vũ Trần.

Hãng Luật Vũ Trần cung cấp các dịch vụ pháp lý về giám định tư pháp trong các vụ án dân sự:

  • Tư vấn quy định pháp luật trong việc giám định chữ viết, chữ ký theo quy định của pháp luật;
  • Tư vấn về chi phí phải trả khi khách hàng có yêu cầu giám định
  • Soạn thảo đơn từ, giấy tờ có liên quan
  • Đại diện khách hàng gặp gỡ cơ quan nhà nước,....

Hãng Luật Vũ Trần:

Địa chỉ: Số 16 đường Trần Quốc Vượng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Số điện thoại: 083.214.9999

Email: Info.luatvutran@gmail.com

Website: http://luatvutran.com